Với mong muốn lan tỏa cảm hứng xê dịch, khám phá cũng như đưa độc giả về gần hơn với thiên nhiên, tới những vùng đất vừa xa vừa gần, vừa lạ vừa quen và trân trọng hơn những chuyến đi. Sống – Thương hiệu sách tác giả Việt cùng họa sĩ Trần Thùy Linh trân trọng giới thiệu cuốn sách “Đi như tờ giấy trắng”. Cuốn sách hy vọng sẽ giúp bạn đọc cảm nhận được không gian của từng vùng đất qua mọi giác quan.
Chia sẻ sau khi đọc “Đi như tờ giấy trắng”, Nhà báo Nguyễn Vĩnh Phương, thư ký tòa soạn báo Kiến thức và đời sống cho hay: Đọc “Đi như tờ giấy trắng” của tác giả Thùy Linh tôi có cảm giác như chúng ta không chỉ được đọc mà còn được đi thông qua những dòng chữ. Mỗi miền đất lạ hoặc quen trong sách của chị là một bức tranh đầy sắc thái sống động đến không ngờ. Không chỉ giúp người đọc mở rộng tầm mắt từ thị giác qua những hình ảnh, màu sắc mà những dòng chữ của Linh còn gián tiếp giúp người đọc cảm nhận được không gian ở đó qua cả các giác quan khác.
Thi thoảng vẫn đọc được đâu đó trên báo, trên Facebook những bài viết đầy trải nghiệm, cuốn hút của Thùy Linh về những chuyến hành trình của chị. Nên lần này được đọc nguyên cuốn sách được hệ thống lại của chị mới thực sự khâm phục bút lực của một người mà tưởng như vẽ mới là năng khiếu chính.
Trong “Đi như tờ giấy trắng”, với “những miền đất lạ”, bằng quan sát tinh tế Linh đã dẫn dắt người đọc tới những khám phá thật sự hấp dẫn. Và qua “những miền đất quen” Thùy Linh lại giúp cho người đọc có những tái trải nghiệm thật sự bất ngờ, cuốn hút.
Với Thùy Linh, không có sự khám phá nào là nhỏ nhặt: “Nhưng chỉ cần hạ thấp tầm nhìn chút thôi, cúi xuống với cỏ một chút thôi, tôi tin rằng bạn cũng sẽ sững sờ giống tôi. Có một thế giới khác đang lung linh đón chào, đang reo vui cùng bạn. Hoa dại ngập tràn khắp nơi trong thế giới ấy. Cũng khác với những cánh hoa cỏ dại Âu châu, những cánh hoa đồng nội trên thảo nguyên Mông Cổ nhỏ bé và mong manh hơn nhiều”. Theo Thùy Linh, đi và viết là một trong ba phương tiện Linh dùng để hành thiền, để giải thoát. Và điều đáng quý là có vẻ như qua cuốn sách, chị đã truyền được phần nào động năng tích cực từ hành trình giải thoát, hành thiền của chị cho người đọc. Hãy thử nghe Thùy Linh chia sẻ bằng những ngôn ngữ hết sức dịu dàng khi xúc giác chạm vào những trụ đồng ở Ulaanbaatar, Mông Cổ: “Những trụ đồng vàng chạm khắc tinh xảo đã lên nước, bóng loáng theo thời gian và mát lạnh. Cái lạnh theo ngón tay lan dần, thấm vào từng tế bào, làm những nóng nảy trong người như mềm lại, bao muộn phiền toan tính bỗng dịu đi, cái lạnh ở nơi tôn kính mang người về chốn trong trẻo, bình an. Bỗng thấy mình như được nâng lên, nhẹ bẫng trong một không gian huyền ảo lấp lánh ánh đồng. Bỗng thấy mình trở nên mềm mượt, lãng đãng bay như cánh chim non. Chấp chới, vỗ cánh bay về phía mặt trời”.
Với Linh, đi để hành thiền, để giải thoát là có thực, và chị đã biết chia sẻ điều đó với người đọc qua ngòi bút của mình. Thùy Linh tâm sự trong “Đi như tờ giấy trắng”: Bạn không là người lữ hành đơn độc, mà là trọng tâm của chuyến đi, là nhân vật kết nối giữa quen và lạ. Vấn đề chính là ở bạn. Bạn có còn ngạc nhiên trước một vẻ đẹp không? Bạn có còn hứng thú trước những cảnh vật, những người mình gặp trong và qua các chuyến đi không? Câu “đích đến là hành trình”, cần được hiểu theo nghĩa như vậy. Để có được những chuyến đi kỳ thú, cũng cần phải học cách đi. Tôi luôn cho rằng, muốn “cảm” được một vùng đất nào đó, cần dành đủ thời gian cho nơi ấy, và quan trọng hơn: Đừng để những thiên kiến hay định kiến hằn nếp trong đầu. Hãy mở lòng ra, hãy “Uống những ngụm nước từ cội nguồn của sự sống”, như triết gia Hebbel người Đức đã nói.
Chị bắt đầu vẽ từ khi tám tuổi, dưới sự hướng dẫn của các giáo viên Trường Đại học Mỹ Thuật Hà Nội và mẹ chị, một họa sĩ chuyên nghiệp. Trần Thùy Linh từng theo học văn chương và ngôn ngữ tại Đại học Leipzig - Đức; học dự thính tại khoa Mỹ thuật và Lịch sử Mỹ Thuật. Sau khi trở về Việt Nam vào năm 1988, Thùy Linh học vẽ với họa sĩ tranh lụa nổi tiếng Nguyễn Thị Tâm và theo đuổi con đường hội họa chuyên nghiệp. Thùy Linh đã tham gia nhiều triển lãm trong nước và quốc tế tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Mỹ và Hàn Quốc.
Tác giả Trần Thùy Linh chia sẻ quan điểm cá nhân về nghề vẽ và viết của chị, rằng: “Với tôi Đi, Viết và Vẽ là phương tiện để hành thiền, để tìm về với cội nguồn bản ngã của vạn vật và chính mình, để giải thoát mọi cảm xúc với đích đến cuối cùng là đạt được sự tự do”.