Mùa hè này, hãy để "Đi như tờ giấy trắng" của tác giả Trần Thùy Linh đưa lối cho chuyến đi thanh xuân bất tận của bạn!
Du ký không phải một thể loại sách mới, tuy nhiên dạo gần đây du ký ngày càng phổ biến với cộng đồng mê đọc sách, và cả với cộng đồng thích xê dịch ở Việt Nam với rất nhiều tác phẩm của các tác giả trẻ Việt. Và "Đi như tờ giấy trắng" là một trong những tác phẩm du ký như vậy: của người trẻ Việt đi, do người trẻ Việt viết, cho người trẻ Việt đọc.
Vốn dĩ không nên so sánh du ký với những tác phẩm địa lý khác, vì đối tượng cũng như mục đích sử dụng khác nhau. Với đối tượng hướng đến là đại đa số người trẻ Việt ham thích du lịch, kiến thức cung cấp cho người đọc của "Đi như tờ giấy trắng" chỉ ở dạng vừa đủ. Vừa đủ để người đọc không bị choáng ngợp và mệt mỏi với một số lượng kiến thức khổng lồ về lịch sử địa lý. Vừa đủ để gợi ra trí tò mò khiến người đọc muốn xách ba lô lên và đi ngay lập tức. Vừa đủ để ngay cả khi bạn mang theo quyển sách này trong ba lô, thì bạn hoàn toàn vẫn có thể có những trải nghiệm của riêng bản thân.
"Đi như tờ giấy trắng" được xây dựng nên từ những trải nghiệm du lịch của tác giả Trần Thùy Linh từ Âu về Á, từ Tây về Đông... Trên những quyển sách thường thấy, các chuyến đi và trải nghiệm thường được sắp xếp từ gần đến xa, khám phá Việt Nam rồi vươn ra thế giới. Nhưng với Trần Thùy Linh thì ngược lại. Đi thật xa để trở về - đây chính là cách Trần Thùy Linh thực hiện những chuyến du ngoạn của mình. Một nửa đầu quyển sách ghi lại hành trình chinh phục những vùng đất mới xa xôi: Mông Cổ, Úc, Đức, Myanmar... Nửa sau quyển sách là hành trình tìm về quê hương đất nước, với Huế mộng mơ, Đà Lạt trữ tình hay dòng Cửu Long thân thương. Đối với Trần Thùy Linh, “càng đi, càng thấy những hiểu biết của mình về quê hương thật hạn hẹp. Vì thế, thật vui sướng biết bao khi được là người lữ hành khám phá những điều mới mẻ ngay trên chính đất nước mình.”
Điểm đặc biệt khác của "Đi như tờ giấy trắng" chính là những cảm nhận và suy niệm sâu sắc của tác giả trên những chuyến đi. Dưới cặp mắt sắc màu của một họa sĩ cùng quan niệm "Đi, Viết, và Vẽ là phương tiện để hành thiền"; mỗi chuyến đi của Trần Thùy Linh không chỉ là để khám phá những miền đất mới, còn là để tìm về với cội nguồn của bản ngã của vạn vật và chính mình, để giải thoát mọi cảm xúc với đích đến cuối cùng là đạt được sự tự do". "Mỗi chuyến đi đều cho ta thấy những điều mới lạ, kể cả những nơi chốn đã nhiều lần trở đi trở lại. Miễn là bạn luôn suy nghĩ tích cực và sẵn sàng với mọi điều diễn ra trên hành trình đang đi. Mở lòng ra để tận hưởng thiên nhiên, không khí, con người xung quanh. Mở lòng ra để đón nhận khác biệt. Đi như tờ giấy trắng, để thiên nhiên và con người nơi đó họa lên những mảng màu và biến cuộc sống của mình thành một bức tranh."
Đọc. Và đi thôi! Đi để "bỗng thấy mình như được nâng lên, nhẹ bẫng... Đi để thấy mình trở nên mềm mượt, lãng đãng như cánh chim non chấp chới, vỗ cánh bay về phía Mặt Trời."
Gác nhỏ của Mí