Tác giả: Lê Bùi Thảo Nguyên
Nhà xuất bản: Thế giới
Số trang: 268
Kích thước: 13.0x20.5cm
Ngày phát hành: 2018
Giới thiệu
“Tôi cần một cái khuôn khác – Méo mó cũng được” của Lê Bùi Thảo Nguyên gây ám ảnh với người đọc với những câu chuyện của một kỹ thuật viên gây mê. Cô gái ấy sau hơn một năm làm việc tại một trong những bệnh viện phụ sản hàng đầu đã quyết định xin nghỉ việc bởi “mọi thứ dường như quá sức chịu đựng” và cô muốn “an lành ru giấc ngủ hằng đêm”. Tiếng chuông điện thoại, tiếng chuông báo cấp cứu, tiếng tít tít của máy theo dõi, tiếng khóc, tiếng chửi rủa hay tiếng hát vang vọng giữa đêm đều gợi lên sự ám ảnh, thương xót không chỉ với người kể chuyện mà cho cả người đọc. Thậm chí, có nhiều lúc, cô gái ấy còn không kịp phân định mình đang ở nhà hay ở viện mà cứ thế lao đi theo phản xạ khi nghe thấy tiếng chuông, để rồi khi định hình được không gian đang đứng mới nhận ra mình chỉ vừa kết thúc ca trực đêm.
Theo chân cô cử nhân gây mê từ lúc còn là một sinh viên thực tập đến khi là nhân viên chính thức trong bệnh viện, người đọc được “ghé thăm” phòng cấp cứu, phòng phẫu thuật, phòng sinh. Không có những tình tiết gay cấn, các câu chuyện được Thảo Nguyên kể bằng giọng văn nhẹ nhàng, súc tích nhưng không kém phần trần trụi. “Tôi cần một cái khuôn khác – Méo mó cũng được” một lần nữa khẳng định rằng: Môi trường làm việc ở bệnh viện không dành cho những người “yếu tim”. Bạn sẽ phải mạnh mẽ, có cái đầu lạnh hơn nhiều người, phải học cách quên thật nhanh khi ở bệnh viện sự sống – cái chết luôn song hành cùng nhau.
Điều đặc biệt của cuốn sách cũng là cái tài của Thảo Nguyên chính là duy trì hai mạch truyện trong hai không gian với hai con người khác nhau, tuy cùng một bản thể. Bên cạnh một Thảo Nguyên hiền lành, ít nói ở bệnh viện là một Thảo Nguyên dữ dội với những chuyến du lịch một mình.
Điều gì khiến Thảo Nguyên quyết định rời khỏi bệnh viện? Và hành trình của cô gái ấy qua những miền đất lạ là để tìm kiếm điều gì? 6 chương sách với 51 mẩu chuyện dường như không chỉ là trải nghiệm của cá nhân Thảo Nguyên mà đâu đó trên hành trình của cô gái trẻ, ta cũng nhìn thấy mình bởi đã có lúc ta rơi vào tình trạng như cô:
Chắc phải 1 tỉ năm rồi, trừ Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Nếu trăm năm là hữu hạn… Mình chưa đọc được trọn vẹn một cuốn sách của một tác giả Việt, một phần là do mình lười đọc, hoặc chỉ đọc 1 chương đầu thì mình cũng chẳng còn hứng thú đọc đến chương 2, mình đã nghĩ khả năng cảm thụ của mình chắc chết đâu đó cho đến ngày mình đọc được cuốn “Cần một cái khuôn khác, méo mó cũng được!” của tác giả Lê Bùi Thảo Nguyên.
Một cuốn sách thực sự chạm vào cảm xúc. Lần đầu tiên sau 1 năm trời mình đọc 1 cuốn sách từ đầu đến cuối, bị lôi cuốn vào câu chuyện của tác giả này từ trang đầu đến trang cuối, bị lôi cuốn bởi hai con người khác biệt nhau qua từng trang sách.
Không màu mè và quá lấp lánh, cách viết của chị không làm cho mình tưởng tượng ra những nơi mà chị đi qua, cũng không làm mình mường tượng những hình ảnh mà chị miêu tả. Nó giống như, một câu chuyện hết sức gần gũi, được kể bởi một người bạn thân, mộc mạc và giản dị, dù câu chuyện có những mặt sáng lẫn mặt tối, nhưng như đoạn kết của cuốn sách, cuốn sách này, với mình, là một hộp Pandora, hy vọng tràn ngập.
Trước giờ mặc dù biết một vài người bạn và người thân làm trong ngành Y và những câu chuyện được kể trong căng tin bệnh viện, nhưng chưa bao giờ mình thấy chân thật và cảm động như vậy. Hầu như ai cũng có những trải nghiệm từ bệnh viện ra, nhưng từ phía của một nhân viên y tế thực sự rất khác, cảm phục và ngưỡng mộ là 2 từ mình dùng để nói về tác giả cuốn sách này.
Về phần du lịch trong cuốn sách, đột nhiên những lời chia sẻ qua từng trang sách của chị khiến mình thấy du lịch phượt kiểu của chị có cảm tình dễ sợ, không phải cách mà các bạn du lịch phượt chuyên nghiệp khiến mình nổi dị ứng như thường lệ. Những cảm xúc chị ghi lại và chia sẻ trong suốt chặng đường đi là những gì đọng lại trong tâm trí mình, nó đơn giản và đẹp đẽ lạ lùng.
Nguyễn Đỗ Minh Hắng_Tiki
Mua sách vì bị ấn tượng bởi cái tiêu đề, vì nó giống bản thân của thời điểm đó. Tác giả kể chuyện đan xen giữa cuộc sống nơi làm việc tại bệnh viện và những chuyến đi. Cá nhân mình thì thích những mẩu chuyện gắn với nghề bác sĩ hơn. Bởi nó lạ so với những thứ trước giờ mình biết. Qua cuốn sách, mình mới hiểu được những thứ, những cảm giác mà người bác sĩ trải qua hàng ngày. Nghề này cũng thật chẳng dễ dàng, mọi thứ thật áp lực. Càng cảm thấy may mắn vì bản thân đã không theo nghề Y. Cao quý thật, những có lẽ mình không đủ mạnh mẽ như họ. Nghề Y Bác sĩ không chỉ đơn giản là nghề mặc chiếc áo trắng tinh, hàng ngày cười nói, khám bệnh, bán thuốc như những lần mình vào viện. Có lẽ ở đâu, ngành nghề nào cũng có người này người kia. Riêng tác giả, mình tin cô ấy là một người vô cùng bản lĩnh, nhân hậu, phải chăng trái tim của cô không đủ lạnh lùng, để hàng ngày đối diện với công việc quá khốc liệt đó. Mình tin rằng: dù làm nghề gì, làm công việc kiếm bao nhiêu tiền một tháng, cũng không quan trọng bằng cảm giác, niềm hạnh phúc mỗi ngày.