MUỐN CHẾT, CỨ THIẾU HIỂU BIẾT
Một ngày sau khi cuốn sách dưới đây ra đời (20/8), báo Dân trí có tin: Nữ lao động Việt gửi đơn thư "kêu cứu" vì bị hành hạ, mắc kẹt ở Ả rập Xê út.
Cuốn sách và tin báo không nằm trong chuỗi hệ thống và không liên quan đến nhau. Nhưng đặt sát cạnh nhau về thời điểm, chúng cho thấy thông tin về một vấn đề nóng có thể tiếp cận cộng đồng như thế nào.
"Đừng chết ở Ả rập Xê út" là cuốn tự truyện (mà có lẽ phải là hồi ký) của một người phụ nữ có trình độ, nhưng vì biến cố gia đình mà quyết định đi xuất khẩu lao động tại đất nước này, bị lừa đảo và bị đối xử tàn tệ, rồi tìm được cách trở về nước. Chị bị đánh đập, bị lạm dụng tình dục, bị bắt làm việc nặng nhọc, bị buộc ứng xử kì lạ trong xã hội chị gọi là kỳ quặc.
Một nội dung khá quen thuộc nếu bạn theo dõi tin tức XKLĐ của Việt Nam, nhất là sang Trung Đông. Ả rập Xê út có số lượng đông nhất; đã có 9000 người lao động Việt, chủ yếu là nữ giới làm giúp việc. Số lượng ở Qatar, UAE, Yemen đều khá nhỏ. Vì thế, tỷ lệ người lao động gặp trường hợp đặc biệt như tác giả sách này cũng cao hơn. Và chỉ cần 5, 6 vụ việc như vậy từ 1 quốc gia, đó đã có thể coi là phổ biến đối với dư luận.
Nếu bạn đọc báo Philippines, bạn cũng thấy thỉnh thoảng lại có tin người giúp việc nước này ở Ả rập Xê út bị lừa đảo và ngược đãi, thậm chí bị giết.
Dù tác giả rào trước rằng những gì xảy ra với chị là số ít, không phải ai cũng gặp, nhưng nó vẫn có thể gây lo ngại cho những người muốn sang Ả rập Xê út XKLĐ.
Họ nên lo ngại. Thậm chí là lo sợ. Ả rập Xê út có yêu cầu rất dễ dàng với người XKLĐ. Bạn thậm chí không cần đặt cọc trước. Một quốc gia phát triển như vậy nhưng không yêu cầu khắt khe như Nhật, Hàn, Đài, những nơi xiết chặt dần với lao động Việt Nam; có phải quá tốt để tin vào?
Phần đa lao động Việt, ngay cả tác giả sách này, thiếu thông tin và không biết cách tiếp cận đúng thông tin. Họ vẫn lao vào các công ty môi giới lao động, và nghe tỉ tê rằng đi Ả rập dễ đi hơn Hàn Quốc, lại ít đòi hỏi ngành nghề năng lực cao. Phần lớn họ ở miền nông thôn. Phần lớn họ không có tiền chuộc lại mình nếu muốn bỏ về.
Năm ngoái bộ trưởng LĐTBXH còn khuyến cáo người lao động không nên đi Ả rập Xê út! Một phát biểu mặn chát cho các công ty môi giới lừa đảo mà bộ biết thừa cách họ lừa đảo. Nếu người lao động cần biết thông tin về điều gì, họ cần biết cơ quan chức năng không phải là nơi giải quyết nỗi đau khổ của họ. Báo chí, may ra, lại giúp đưa lời kêu cứu của họ đến công chúng. Và cũng quan trọng, thông tin họ nghe được từ báo chí không bao giờ nhắc tới giải pháp căn cơ cho những người bị mắc kẹt do lừa đảo XKLĐ, hay ngăn chặn lừa đảo ngay từ Việt Nam.
Vì thế, nếu có điều gì cuốn sách này nên làm được, thì nó nên là một công cụ hệ thống hóa cảnh báo sự lừa đảo cho một bộ phận lao động Việt đói thông tin và lọt trong mê cung XKLĐ khóa trái cửa ra.
Ở tư cách tự truyện, nó cũng không nêu ra giải pháp. Nhưng sẽ tốt hơn nếu những người đói thông tin đọc nó và biết lo ngại thay vì tìm kiếm giải pháp chưa biết cho rắc rối tự họ sẽ lao vào.
Một cuốn sách ngắn, viết với ngôn từ dễ hiểu của tự truyện, đậm hành động và ít tình tiết dẫn dắt nên đọc rất nhanh.
Trần Hoài Sa